Một số con phố ở thành phố Hải Phòng thời thuộc Pháp và sau cách mạng Tháng Tám
Một số con phố ở thành phố Hải Phòng thời thuộc Pháp và sau cách mạng Tháng Tám
Phố Đinh Tiên Hoàng
Từ phố Nguyễn Tri Phương đến phố Trần Phú, dài 855m, rộng 10m. Cắt qua các phố Hồ Xuân Hương, Điện Biên Phủ, Trần Quang Khải, Phan Chu Trinh. Vỉa hè cả hai bên đều dài 747m, rộng 5m. Hệ thống thoát nước dài 780m, đặt cống hộp F500 x 600mm. Phố thuộc đất xã Gia Viên trước đây, nằm trong khu nhượng địa đầu tiên, là phố lớn của khu Trung Ương thời Pháp thuộc. Nay vẫn là một phố có tầm quan trọng trong giao thông và phát triển kinh tế, xã hội. Sau này (thời Pháp) phố được đổi gọi là đại lộ Amiran đờ Bômông (Amiral de Beaumont) tức đại lộ Đô đốc Bômông. Sau cách mạng tháng Tám đổi gọi là phố Nguyễn Thị Minh Khai. Từ năm 1954 mang tên như hiện nay. Thời Pháp thuộc một số cơ sở kinh tế, trị an đã đặt ở phố này như Sở Thú y, Sở Hiến binh, hãng bảo hiểm Fôven (Fauvel), hãng hàng không Pháp – Việt, trụ sở Công ty than của Bạch Thái Bưởi, hãng của Cao Bá Cam, của nhà tư sản Hoa Kiều Lai An, Hôtel Teston.
Trường phổ thông cơ sở Hồng Bàng hiện nay: trước đây là trường Hăngri Rivie thời Pháp thuộc dành cho học sinh nam (nơi dành cho học sinh nữ là trường Nguyễn Tri Phương hiện nay). Trường phổ thông cơ sở Đinh Tiên Hoàng hỉện nay: trước đây là trường đạo Xanh Đôminich (Saint Dominique), trường này ra đời cùng với việc xây dựng nhà thờ thành phố, dành cho các nữ tu sĩ đến học, về sau có cho thêm (với số lượng rất hạn chế) các nữ sinh không theo đạo vào học. Năm 1943 trường này bị bom Mĩ làm hư hại nặng, sau đó được tu sửa lại để tiếp tục dạy và học.
Trên phố có rạp chiếu bóng ÊĐen (Eden) được xây dựng trước năm 1945, nay là Nhà Văn hoá trung tâm Thành phố (Trung tâm VH thành phố); Rạp Liđô (Lido) xây trong những năm 1947 – 1951 (nay là Nhà hát Tháng Tám). Nhà máy Nước được xây dựng năm 1898 đã góp phần giải quyết một vấn đề nan giải của Hải Phòng buổi đầu hình thành. Nguồn nước của nhà máy phải dẫn từ Uông Bí về. Năm 1951 Mỹ viện trợ cho Pháp khoan giếng nước ở chính khu vực nhà máy nhưng chất lượng nước xấu không dùng được. Tại khu vực Nhà hát Tháng Tám hiện nay và Nhà hát lớn thành phố trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp đã xẩy ra những trận đánh ác liệt. Từ ngày 20/11 đến 24/11, 17 chiến sĩ Vệ quốc đoàn trang bị một ít vũ khí và 22 chiến sĩ tuyên truyền văn hóa không có vũ khí đã chiến đấu đưới sự chỉ huy của trung đội trưởng Đặng Kim Nở bảo vệ Nhà Hát lớn. Tất cả đã hi sinh anh dũng.
Phố Điện Biên Phủ

Từ cầu Lạc Long đến Ngã Sáu, dài 1.255 m. Đoạn cầu Lạc Long – Trần Hưng Đạo dài 915 m, rộng 10 m; đoạn Trần Hưng Đạo -Trần Phú dài 85 m, rộng 15 m; đoạn Trần Phú – Ngã Sáu dài 340m, rộng 9m. Vỉa hè toàn tuyến dài 915m, cả hai bên đều rộng 4m. Hệ thống thoát nước dài 1.175m đặt cống hộp 500 x 600mm. Phố thuộc đất xã Gia Viên cũ. Trước giải phóng thuộc khu Trung Ương. Phố Điện Biên Phủ gồm hai phố trong thời Pháp thuộc gộp lại: đại lộ Pônbe (Boulevard Paul Bert) và phố Thống chế Giốp (Maréchal Joffre). Đại lộ Pônbe từ cầu Lạc Long đến ngã tư giao với phố Trần Phú hiện nay, phố Giốp là đoạn còn lại. Sau cách mạng tháng Tám, đại lộ Pôn Be đổi gọi là đại lộ Lê Hồng Phong.
Cũng sau cách mạng tháng Tám, phố Giốp đổi gọi là phố Phạm Ngũ Lão. Năm 1954 đại lộ Pôn Be đổi gọi là đại lộ Hồng Bàng. Cũng năm 1954, phố Giốp đổi là phố Pháp Quốc, sau giải phóng đổi gọi là phố Điện Biên Phủ. Năm 1963 nhập đại lộ Hồng Bàng với phố Điện Biên Phủ, gọi là phố Điện Biên Phủ như hiện nay. Đây là phố đẹp và lớn nhất thành phố đồng thời cũng ra đời sớm. Nhận định về phố này, tập san Chấn hưng kinh tế, số ra ngày 1/11/1925 viết : “Phố Pôn Be kéo dài qua sông đào Hạ Lý cho tới đường xe lửa sẽ tạo thêm điều kiện để mở mang thành phố. Chúng tôi đã đề nghị lập một ga ở điểm này. Nó sẽ cân đối với khu Hạ Lí”. Thời Pháp thuộc trên phố có nhiều cơ sở kinh tế quan trọng, nhiều ngân hàng, khách sạn lớn. Phố là trung tâm thương mại chủ yếu của Hải Phòng hồi đó. Do nằm sâu trong khu phố người Âu nên suốt thời Pháp thuộc, phố Pôn Be là nơi thực dân Pháp rất chú ý lo giữ an ninh chính trị, an toàn xã hội. Dân lao động ít khi đến phố này.
Bến Chương Dương
Nằm dọc theo sông đào Hạ Lý về phía hữu ngạn, song song với bến Vân Đồn ở tả ngạn sông đào này. Bến bắt đầu từ phố Hạ Lý đến bờ sông Cấm, dài 875m. Nay đoạn phố Phan Đình Phùng tiếp giáp với bến Chương Dương nằm trong nhà máy đóng tàu Bạch Đằng nên bến này là con đường cụt, không thông được với phố Phan Đình Phùng nữa. Đoạn từ chân cầu Hạ Lý đến ngã ba vườn Dâu dài 330m, rộng 7m. Bến thuộc địa bàn xã Hạ Lý cũ, trước giải phóng thuộc khu Tam Bạc. Lúc mới mở gọi là bến Van Vônlenhôven (Quai Van Vollenhoven), mang tên một viên quan cai trị người Pháp tạm quyền chức Toàn quyền Đông Dương từ tháng 1/1914 đến tháng 3/1915. Từ năm 1954 mang tên hiện nay.
Do ở vị trí thuận lợi gần sông Cửa Cấm lại không như bến Vạn Kiếp (Candlot) mà gần một nửa thuộc khu vực nhà máy Xi măng được coi là bến chuyên dùng của nhà máy, nên bến Chương Dương trước đây có nhiều canô, sà lan, thuyền bè cập, đậu. Dọc bến này lại có nhà máy Gạo, nhà máy Chỉ… đều là những nhà máy lớn đông công nhân. Cạnh đó là khu dân cư cả người làng cũ và thợ thuyền, phu phen các nơi đến làm ăn sinh sống hay tạm trú khá đông. Trong chiến tranh phá hoại bến nằm trong khu vực bị đánh phá ác liệt, cầu Hạ Lý bị oanh tạc nhiều lần, các nhà máy ở đây đều bị hư hỏng nặng… nên dọc bến này chỉ còn nhà máy đóng tàu, nhà máy Xay hoạt động. Sau ngày giải phóng, nhà máy Xay được mở rộng, ở đầu bến phía thượng lưu đặt tại Nhà máy đóng tàu II.
Phố Bạch Đằng
Từ cầu Lạc Long đến ngã ba đường Hùng Vương, còn gọi là ngã ba Thượng Lý, dài 1.450m. Trong đó, đoạn từ cầu Lạc Long đến cầu Xi măng dài 750m, rộng 13,6m. Vỉa hè dài 550m, chiều rộng hè đường không đều nhau; đoạn từ cầu Xi – măng đến ngã ba Thượng Lí dài 700m, rộng 18m. Hệ thống thoát nước từ cầu Lạc Long đến cầu Xi – măng đặt cả hai bên, đoạn từ cầu Xi – măng đến phố Phạm Phú Thứ bên trái dài 300m, đặt cống F.500mm; bên phải dài 260m, đặt cống F.300mm. Đoạn từ phố Phạm Phú Thứ đến cầu Lạc Long bên trái dài 340m đặt cống F.600mm; bên phải dài 450m, đặt cống hộp đậy tấm đan. Có tài liệu đưa đoạn từ ngã ba Thượng Lí đến ngã ba Sở Dầu thuộc đường Hùng Vương vào phố Bạch Đằng, đoạn này dài 1100m, rộng 18m.
Phố Bạch Đằng nằm trên địa bàn hai xã Hạ Lý và Thượng Lý cũ, trên thực tế chia làm hai đoạn. Đoạn thứ nhất giữa hai cầu Lạc Long và Hạ Lý nằm trọn trên địa bàn xã Hạ Lý, còn gọi là đảo nhỏ Hạ Lý (ilot de Hạ Lý) theo cách gọi của người Pháp. Cầu Lạc Long bắc qua sông Tam Bạc thời Pháp thuộc gọi là cầu Giốp (Joffre). Cầu Hạ Lý bắc qua sông đào Hạ Lý, thời Pháp thuộc thường gọi là cầu Xi măng hay cầu cất Hạ Lý. Nhiều người vẫn gọi nhầm cầu Lạc Long là cầu Hạ Lý còn cầu Hạ Lý (Xi măng) là cầu Thượng Lí. Từ cầu Xi- măng trở đi, bắt đầu đoạn thứ hai của phố Bạch Đằng. Đoạn từ cầu Lạc Long đến cầu Xi – măng thời Pháp thuộc có tên chính thức là Đại lộ Trung tâm (Boulevard Central). Sau cách mạng tháng Tám gọi là phố Phạm Phú Thứ. Năm 1954 đổi gọi là đại lộ Kinh Dương Vương, tên vị vua khai sáng nước ta, theo truyền thuyết. Tuy nhiên theo một bản đồ trước giải phóng (1955) thì lại có tên Ià đại lộ Hạ Lý. Đầu năm 1963 mới đổi gọi là phố Bạch Đằng. Đoạn từ cầu Xi – măng trở đi có thời gian gọi là đường thuộc địa số 5 (Route Colonial No5), nằm trong hệ thống mạng lưới giao thông chính được Nhà nước Bảo hộ Pháp xếp hạng ngày 18-5-1918. Cũng gọi là đường Hà Nội (Route de Hà Nội), xuất xứ từ cách chỉ hướng đi Hà Nội, nên có bản đồ ghi ‘Vers Ha Noi’ – kèm mũi tên chỉ đường. Sau cách mạng tháng Tám đổi gọi là đường Phan Bội Châu. Từ năm 1955 đến nay gọi là đường 5.