Tiểu thương chợ truyền thống Hải Phòng học cách bán hàng hiện đại

Tiểu thương chợ truyền thống Hải Phòng thích ứng để không bị bỏ lại phía sau. Ảnh: Mai Hương
Trong bối cảnh thói quen tiêu dùng thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh từ siêu thị và thương mại điện tử ngày càng lớn, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP Hải Phòng rơi vào cảnh vắng khách kéo dài. Tuy nhiên, thay vì ngồi chờ người mua, nhiều tiểu thương đã chủ động tìm cách thích nghi, đổi mới hình thức kinh doanh và tiếp cận công nghệ để duy trì sinh kế.
Từ sạp hàng ra... điện thoại
Tại chợ xã Thanh Hà, chị Nguyễn Thị Hương - tiểu thương bán rau bắt đầu thử livestream từ tháng 5 vừa qua. Mỗi sáng, chị vẫn đi chợ đầu mối lấy hàng như thường lệ, nhưng thay vì chỉ bày bán tại sạp, chị quay video ngắn, chụp ảnh và đăng lên Facebook cá nhân. “Khách quen xem rồi đặt trước, tôi chuẩn bị sẵn. Ai gần thì chiều họ qua lấy, ai bận thì tôi gửi xe ôm. Trước đây, bán được trăm rưỡi mỗi ngày, giờ đều đều hơn hai trăm” chị Hương nói.
Còn tại xã Tuệ Tĩnh, anh Trần Văn Quân - tiểu thương bán gạo và đồ khô cũng bắt đầu áp dụng phần mềm bán hàng để theo dõi đơn và in hóa đơn. “Có khách hỏi lấy hóa đơn điện tử, lúc đầu tôi không biết làm. Sau được cháu hướng dẫn, giờ biết dùng điện thoại tạo hóa đơn, gửi luôn qua Zalo. Khách yên tâm, mình cũng dễ quản lý” - anh Quân cho hay.
Không chỉ áp dụng công nghệ trong bán hàng, nhiều tiểu thương còn mở rộng phương thức thanh toán. Tại chợ xã Ninh Giang, người mua hàng chuyển khoản qua mã QR đã không còn là chuyện lạ. “Mỗi ngày cũng có vài chục lượt thanh toán qua điện thoại. Tôi cài app ngân hàng, khách quét mã là xong. Mấy tháng đầu lúng túng, nhưng giờ quen tay rồi” - chị Vũ Thị Tình, bán thịt cho biết.

Nhiều tiểu thương TP Hải Phòng mở rộng phương thức thanh toán. Ảnh: Phúc Minh
Chuyển mình để không tụt lại
Việc thay đổi không dễ dàng. Với nhiều tiểu thương lớn tuổi, chuyện dùng điện thoại thông minh, phần mềm bán hàng hay mạng xã hội là điều hoàn toàn xa lạ. Song áp lực từ thị trường khiến họ buộc phải cân nhắc nghiêm túc. “Trước cứ nghĩ bán ở chợ là đủ sống. Nhưng giờ ai cũng bận, khách ít dần. Mình không thay đổi thì chỉ còn ngồi nhìn hàng ế” - chị Trần Thị Hoa, bán đồ khô ở xã Tuệ Tĩnh bộc bạch.
Điểm sáng là ngày càng nhiều người trẻ trong gia đình tiểu thương tham gia hỗ trợ. Con cháu giúp cài đặt ứng dụng, hướng dẫn cách quay video, nhận đơn, giao hàng. Nhờ đó, việc chuyển đổi của các hộ kinh doanh nhỏ không còn là chuyện cá nhân, mà dần trở thành nỗ lực chung của cả gia đình, cả cộng đồng tiểu thương.
Sự thay đổi tuy chưa đồng bộ, nhưng rõ ràng đang định hình một diện mạo mới cho chợ truyền thống. Không còn đơn thuần là nơi bán hàng theo thói quen, nhiều tiểu thương giờ đã bước đầu trở thành người vận hành kinh doanh nhỏ theo hướng hiện đại: từ quảng bá, chốt đơn, thanh toán đến chăm sóc khách hàng sau bán. Có người còn chủ động học thêm cách chụp ảnh sản phẩm, trả lời tin nhắn nhanh, theo dõi phản hồi của khách để điều chỉnh nguồn hàng.
Chợ truyền thống vốn bị xem là "lỗi thời" giữa guồng quay thương mại hiện đại giờ đang cho thấy sức sống mới. Những tiểu thương lặng lẽ chuyển mình, thích nghi và học hỏi mỗi ngày không chỉ giữ lại sinh kế cho bản thân, mà còn góp phần gìn giữ nét đặc trưng của văn hóa mua bán địa phương trong hình hài mới - thân thiện, năng động và linh hoạt hơn với thời cuộc.
(Nguồn Báo Lao động)