Bảo tồn, phát huy giá trị khu phố kiến trúc Pháp tại quận Hồng Bàng: Biến di sản thành nguồn lực phát triển (Kỳ cuối)
Để những giá trị di sản đô thị khu phố Pháp to lớn của quận Hồng Bàng thực sự trở thành nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội, thương hiệu điểm đến của du lịch Hải Phòng, cần những giải pháp mang tính đột phá trong xây dựng và quảng bá. Trong đó, có việc xây dựng Hồng Bàng trở thành quận di sản.
Để những giá trị di sản đô thị khu phố Pháp to lớn của quận Hồng Bàng thực sự trở thành nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội, thương hiệu điểm đến của du lịch Hải Phòng, cần những giải pháp mang tính đột phá trong xây dựng và quảng bá. Trong đó, có việc xây dựng Hồng Bàng trở thành quận di sản.

Nhà 8 mái Vườn hoa Kim Đồng là 1 trong 12 công trình kiến trúc Pháp xếp hạng loại 1 trên địa bàn quận Hồng Bàng. Ảnh: HỒNG PHONG
Kỳ cuối: “Cầm vàng không để vàng rơi”
Xác định tầm phát triển mới, định vị thương hiệu du lịch
Đồng chí Lê Ngọc Trữ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Hồng Bàng chia sẻ, “Với trách nhiệm người đứng đầu quận, tôi luôn trăn trở làm sao phát huy giá trị bản sắc văn hóa đất và người Hồng Bàng. Sự phát triển kinh tế từ giá trị văn hóa phải bảo đảm sự bền vững, lâu dài. Việc xây dựng Hồng Bàng trở thành quận di sản kỳ vọng mở ra chương mới, tạo bước phát triển đột phá trong việc khai thác các giá trị văn hoá, kiến trúc, lịch sử, biến di sản trở thành nguồn lực và động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận. Việc thực hiện mục tiêu xây dựng quận di sản là rất lớn, không dễ thực hiện trong ngày một ngày hai và cần nguồn lực rất lớn. Song, nếu không bắt đầu ngay từ hôm nay, sẽ càng thêm khó. Bởi công trình di sản nếu không được bảo tồn sẽ xuống cấp, là có lỗi với nhân dân khi để lãng phí tài nguyên di sản”.
Đô thị di sản tại quận Hồng Bàng sẽ là sự hoà quyện việc bảo tồn, phát huy giá trị các công trình kiến trúc Pháp cổ tại khu vực đô thị lõi bên cạnh các yếu tố văn hoá truyền thống, kiến trúc, thẩm mỹ, cảnh quan, các công trình tín ngưỡng, nghệ thuật, di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn quận. Dự án bảo tồn di sản kiến trúc đô thị có nhiệm vụ quy hoạch tổng thể đa ngành với nội dung văn hóa, nghệ thuật, kỹ thuật và kinh tế - xã hội; tạo và huy động các nguồn tài chính, kỹ thuật phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Di sản có thể chuyển đổi công năng phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội mới như làm bảo tàng, điểm du lịch…
Phó giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Vũ Huy Thưởng nhận định, đây cũng là cơ hội để ngành Du lịch nâng cao chất lượng, đổi mới các sản phẩm du lịch nội đô hiện có như Citytour, Foodtour… Đồng thời, xây dựng thêm các sản phẩm mới gắn với các mô hình kinh tế ban đêm nhằm tăng tính hấp dẫn, sinh động và khai thác tốt nhất các giá trị hiện có tại khu vực đô thị di sản. Thông thường, khách du lịch văn hóa có xu hướng lưu lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn cho mỗi ngày tham quan. Do đó, tác động kinh tế của du lịch di sản là khá lớn so với các loại hình du lịch có mục tiêu khác.
Tính toán, sử dụng phù hợp từng công trình
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị, cần chuẩn bị nguồn nhân lực trực tiếp quản lý, vật lực để tu sửa, tôn tạo, sử dụng các di tích với mục đích trưng bày chuyên đề liên quan đến đô thị Hải Phòng xưa, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, ẩm thực… và các mục đích khác nhưng không làm phá hủy không gian, cảnh quan và nội dung giá trị di sản đô thị. Đây là vấn đề quận Hồng Bàng cần tính toán và có hướng đi phù hợp.
Trong số 113 công trình có kiến trúc Pháp cổ được đưa vào danh sách quản lý, bảo tồn của thành phố, hiện có quần thể Nhà hát thành phố, cụm tháp nước cổ, Bưu điện Hải Phòng được công nhận di tích lịch sử cấp thành phố, lịch sử kháng chiến quản lý theo Luật Di sản văn hóa. Hầu hết công trình loại 1, 2, 3 đang được sử dụng theo những công năng khác nhau như trụ sở cơ quan hành chính, doanh nghiệp, khách sạn và vài nhà dân. Hầu hết các công trình chưa được xếp vào danh sách di tích cấp quốc gia hoặc thành phố. Do đó, yêu cầu đặt ra khi xây dựng mô hình đô thị di sản, cần xác định rõ công năng công trình; vai trò, trách nhiệm của chủ sở hữu; công tác quản lý, bảo tồn và trách nhiệm khai thác công trình, nhất là khi năm 2025 một loạt các sở, ngành, cơ quan hành chính chuyển sang trụ sở mới tại Khu đô thị Bắc sông Cấm.
Theo TS, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Tuân, trước khi tính toán chức năng mới cho từng công trình, cần nghiên cứu đánh giá tổng thể nhu cầu sử dụng, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo gắn với thúc đẩy du lịch di sản văn hóa; rà soát, đánh giá chính xác chất lượng công trình trên các mặt nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật, văn hóa, lịch sử, xã hội học…, phân loại theo các nhóm tiêu chí phù hợp yêu cầu khai thác, sử dụng. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy chế bảo tồn, khai thác, sử dụng, tiêu chí đánh giá mức độ phù hợp, cần thiết của các phương án chuyển đổi chức năng, kèm theo là đề án phát triển tổng thể quỹ tài sản vật chất gắn với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, du lịch… trước khi quyết định hướng sử dụng tiếp theo của các công trình di sản kiến trúc. Đồng thời, lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia, cộng đồng về các phương án chuyển đổi chức năng, bảo tồn thích ứng công trình di sản kiến trúc trước khi phê duyệt, triển khai các bước tiếp theo. Để có kết quả này, các cấp có chính sách phát triển du lịch, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, xây dựng cơ chế tài chính, tạo điều kiện sinh thu nhập cho người dân tự bảo tồn di sản lâu dài. Đối với công trình thuộc sở hữu nhà nước, cần có hướng chuyển đổi công năng phù hợp.
Xây dựng “Hồng Bàng - quận di sản” với lộ trình cụ thể
Trên tinh thần đó, UBND quận Hồng Bàng xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị với lộ trình cụ thể. Quý 3 và 4-2024, quận đề xuất, xin chủ trương về “Kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị các di sản đô thị tiến tới xây dựng hồ sơ xếp hạng cấp thành phố các di tích thời Pháp tại quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng”. Từ ngày 1-1- 2025 đến 31-11-2025, quận tiến hành kiểm kê, đánh giá thực trạng kiến trúc, nội dung giá trị di tích, không gian và sinh hoạt văn hóa tại các công trình. Từ ngày 1-1- 2026 đến 31-12-2026, quận dự thảo kế hoạch, đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị trên các tuyến đường của quận Hồng Bàng, bao gồm tu bổ, tôn tạo các di tích đang xuống cấp; phục dựng lại hình ảnh tàu thuyền buôn năm xưa trên sông Tam Bạc, phô Lý Th ́ ường Kiệt… Từ ngày 1-1-2027 đến 31-12- 2027, quận xây dựng hồ sơ xếp hạng cấp thành phố các di tích mang dấu ấn Pháp tại quận Hồng Bàng.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Thị Vân thông tin, thành phố nghiên cứu lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hải Phòng, trong đó sẽ có những quy định cụ thể về quản lý kiến trúc đối với trung tâm đô thị lịch sử (khu phố cũ có giá trị về lịch sử, kiến trúc). Thành phố đã triển khai một số giải pháp cụ thể như xây dựng “Đề án quản lý các công trình kiến trúc có giá trị cần được giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ tại thành phố Hải Phòng”; lập kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và các cơ sở khác không còn phù hợp với quy hoạch toàn thành phố, trong đó có khu vực đô thị lõi trung tâm thành phố, cũng như tiếp tục nghiên cứu các giải pháp và bố trí nguồn lực để triển khai các dự án góp phần cải thiện hạ tầng kỹ thuật của khu vực trung tâm... Đồng chí Lê Ngọc Trữ, Bí thư Quận ủy Hồng Bàng cho biết, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm những địa phương xây dựng thành công mô hình đô thị di sản trong và ngoài nước; sự hỗ trợ từ chuyên gia, doanh nghiệp, kế hoạch xây dựng quận di sản của Hồng Bàng có thể về đích sớm so với kế hoạch đề ra.
Với mô hình đô thị di sản cùng những chính sách phù hợp, giá trị của khu phố Pháp trên địa bàn quận Hồng Bàng sẽ góp phần xây dựng và định vị thương hiệu du lịch mới của thành phố. Người dân quận Hồng Bàng nói riêng, thành phố nói chung cùng đông đảo du khách mong muốn, chờ đợi đô thị di sản đầu tiên của Hải Phòng được công nhận, kèm theo hệ tiêu chí và hành lang pháp lý được xây dựng phù hợp, để thương hiệu “Hồng Bàng - quận di sản” sớm được khẳng định, lan tỏa, phát huy giá trị trong đời sống.
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ
Nguồn tin: Baohaiphong.vn