Những ngày đầu xuân mới, trong không khí vui tươi phấn khởi của thiên nhiên đất trời, nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn quận Hồng Bàng khai hội phục vụ nhu cầu tâm linh của các tầng lớp nhân dân và cũng để đón du khách thập phương về tham quan chiêm bái.
Những ngày đầu xuân mới, trong không khí vui tươi phấn khởi của thiên nhiên đất trời, nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn quận Hồng Bàng khai hội phục vụ nhu cầu tâm linh của các tầng lớp nhân dân và cũng để đón du khách thập phương về tham quan chiêm bái.
Đã từ lâu, thói quen du xuân vãn cảnh, làm lễ tại đền chùa đã trở thành nét đẹp truyền thống trong văn hóa người Việt. Không chỉ góp phần giữ gìn nét văn hóa ấy, đây còn là dịp để tâm thức mỗi người hướng tới cái thiện và những giá trị tốt đẹp trong năm mới. Năm nay thời tiết “mưa thuận gió hòa” như càng khiến bước chân du xuân của du khách thêm thuận lợi, các địa điểm tâm linh luôn đông đúc và nhộn nhịp ngay từ những ngày đầu xuân.
Hồng Bàng là quận trung tâm nội thành của Hải Phòng, là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị văn hóa quan trọng của thành phố. Quận Hồng Bàng nằm trong khu vực đô thị lõi trung tâm, được hình thành và phát triển lâu đời, xuất phát từ khu vực bờ Nam sống cấm (Mom thủy đội) do Pháp đòi nhượng lại sau hòa ước 1874 và phát triển dần theo hướng Đông Nam. Trên địa bàn quận có nhiều trụ sở các cơ quan hành chính của thành phố, trụ sở tôn giáo lớn, nhiều di tích lịch sử văn hóa và di tích cách mạng, các công trình kiến trúc văn hóa có giá trị. Với bề dày truyền thống quý báu, quận Hồng Bàng có nhiều di tích nổi tiếng được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia như: Nhà hát lớn thành phố, Đền Hạ, Cơ sở Đảng thời kỳ 1929-1931. Không chỉ vậy, trên địa bàn quận còn có rất nhiều các đình, đền, chùa có lịch sử truyền thống lâu đời như Đình chùa An Lạc, Đình Quỳnh Cư, Chùa Quỳnh Cư, Đình Cam Lộ, Chùa Cam Lộ, Đình An Trì… Các lễ hội tại đình chùa trên địa bàn quận được quan tâm tổ chức, làm sống dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc địa phương.
Mở đầu có thể kể đến lễ Khai bút tại đền Hạ vào 10/1 Âm lịch. Tục khai bút đầu xuân là một nghi thức trang nghiêm, mang rất nhiều giá trị văn hóa, trước hết là ý nghĩa tôn vinh sự học của người Việt Nam. Lễ hội khai bút kết hợp cả phần lễ và phần hội. Trước khi thực hiện phần “khai bút”, các em học sinh tham dự lễ dâng hương, lễ Phật, tế các vị thần, thánh, thành hoàng đang được nhân dân tôn thờ tại Đền. Sau đó là lễ khai bút đầu xuân, viết các chữ mang ý nghĩa tốt đẹp may mắn.

Các đồng chí lãnh đạo quận Hồng Bàng khai bút đầu xuân
Lễ khai bút tại Đền Hạ hàng năm đều có sự hỗ trợ của nhà thư pháp Lê Thiên Lý – Giám đốc trung tâm Câu đối Thư pháp và Hán Nôm học Hải Phòng.

Nhà thư pháp Lê Thiên Lý tại lễ khai bút Đền Hạ xuân Giáp Thìn 2024
Sang tháng 2 âm lịch là mùa lễ hội truyền thống tại các Di tích trên địa bàn quận Hồng Bàng bao gồm Đình Quỳnh Cư, Đình An Trì và Đình Cam Lộ - phường Hùng Vương; Đình An Lạc - phường Sở Dầu; Đền Hạ - phường Thượng Lý. Thời gian diễn ra các lễ hội trên địa bàn quận thường kéo dài trong 02 ngày. Các lễ hội được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội. Nghi lễ của lễ hội được tổ chức trang nghiêm, bảo đảm truyền thống, không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm.

Các đồng chí lãnh đạo quận Hồng Bàng dâng hương tại Đền Hạ

Đồng chí Lê Ngọc Trữ - UVBTV thành uỷ - Bí thư Quận uỷ Hồng Bàng cùng các đồng chí trong BTV quận ủy Hồng Bàng dâng hương tưởng niệm tại Lễ hội truyền thống Di tích lịch sử cấp thành phố đình Quỳnh Cư
Phần hội được tổ chức phong phú với các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, cờ tướng... tạo khí thế sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia và cổ vũ.
Điều rất đáng ghi nhận là song hành cùng với niềm tự hào về các lễ hội truyền thống đã được tái hiện, góp phần bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống, công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn quận với sự vào cuộc của các ngành chức năng và các cấp chính quyền đã có những chuyển biến, thay đổi tích cực, đem lại nếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng văn minh, lành mạnh, nhất là tại các điểm tâm linh.
Đặc biệt, người dân trên địa bàn cũng như nhiều du khách đều có chung một nhận xét, các tệ nạn, hành vi lợi dụng lễ hội để tổ chức hoạt động trò chơi may rủi, cờ bạc trá hình đã được kiểm soát chặt chẽ. Lễ hội được tổ chức một cách quy mô bài bản. Đảng ủy các phường đã thành lập BCĐ, giao UBND phường trực tiếp điều hành mọi hoạt động. Trên cơ sở đó từng thành viên có nhiệm vụ rõ ràng trong việc giữ gìn văn hóa, giữ gìn ANTT. Các trò chơi dân gian phải bảo đảm các nội dung tích cực, nghiêm cấm các hành vi cá độ, cờ bạc dưới mọi hình thức. Một vấn đề nữa, đó là khâu quản lý hoạt động đầu Xuân tại các đền, chùa trên địa bàn đều được tổ chức quy củ, an toàn, trật tự, văn minh; không gian sạch đẹp, gọn gàng; người đi lễ càng thể hiện nét văn hóa. Sân và khu nội tự đình chùa luôn sạch đẹp. Người đi lễ trang phục lịch sự, đồ lễ đặt các ban thờ cũng được bố trí gọn gàng, không có tình trạng tiền "giọt dầu" đặt tràn lan. Những lúc đông khách, nhà chùa bố trí người hướng dẫn các quy định và các phật tử đều thực hiện trang nghiêm.

Lễ hội truyền thống Đình chùa An Lạc
Các lễ hội như một kho tàng di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Mỗi lễ hội là hình ảnh thu nhỏ, biểu đạt giá trị văn hóa truyền thống của mỗi vùng, miền. Việc tổ chức lễ hội không chỉ thể hiện tâm tư hướng về nguồn cội, giữ gìn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, mà còn đáp ứng nhu cầu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Chính vì vậy, để các lễ hội mùa xuân diễn ra an toàn, giữ được bản sắc, thời gian qua các cấp, ngành trên địa bàn quận đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn quản lý, tổ chức tốt các hoạt động lễ hội đến từng địa phương theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán. Khuyến khích người dân trình diễn các di sản văn hóa truyền thống tại các lễ hội, đưa các trò chơi, trò diễn dân gian vào lễ hội để thu hút du khách tham gia.
Bên cạnh các lễ hội truyền thống, trên địa bàn quận Hồng Bàng còn có nhiều di tích lịch sử và các công trình kiến trúc mang dấu ấn và nét đẹp vượt thời gian như Nhà hát lớn thành phố, Bảo tàng Hải Phòng, Bưu điện trung tâm thành phố, Ngân hàng nhà nước, Cầu Hoàng Văn Thụ, Dải trung tâm thành phố, và các biệt thự cổ trên các tuyến phố Hồ Xuân Hương, Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Diệu. Đây là những điểm đến hấp dẫn du khách tham quan tìm hiểu và chụp ảnh lưu giữ những kỷ niệm đẹp khi về với Hải Phòng nói chung và Hồng Bàng nói riêng.
Minh Hòa