image banner
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN” TIẾP TỤC CHĂM SÓC TỐT HƠN NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi hiểm nguy, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Cũng trong tiến trình lịch sử ấy, dân tộc ta đã hun đúc đạo lý ngàn đời đó là: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả ơn người trồng cây”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi hiểm nguy, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Cũng trong tiến trình lịch sử ấy, dân tộc ta đã hun đúc đạo lý ngàn đời đó là: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả ơn người trồng cây”.

Hơn 90 năm qua, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam đã không quản ngại gian khổ, hy sinh tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, giành nhiều thắng lợi chói lọi trong sự nghiệp giữ nước của dân tộc ta ở Thế kỷ thứ 20; như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành”.

Trong tiến trình lịch sử oai hùng của dân tộc ta ở Thế kỷ thứ 20, đã có hàng triệu anh hùng Liệt sỹ hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho sự trường tồn của dân tộc; đã có hàng vạn người con ưu tú để lại một phần cơ thể nơi chiến trường; đã có hàng vạn thanh niên xung phong cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. Như nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đã viết: “Các anh ơi, các chị ơi/Xin về nhận lại một thời thanh xuân” để ca ngợi những sự hy sinh to lớn của các anh, các chị cho Tổ quốc.

Trước sự ly sinh to lớn của hàng triệu người con ưu tú cho Tổ quốc, chúng ta khẳng định dứt khoát một điều là, Đảng, Nhà nước, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân không bao giờ quên ơn sự hy sinh, những đóng góp to lớn của những người con đất Việt cho Tổ quốc như ngày hôm nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng. Bác Hồ đã viết: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”; Người kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất.

Tháng 6 năm 1947, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương tổ chức hội nghị tại Đại Từ, Thái Nguyên đã chọn chọn Ngày 27 tháng 7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó hàng năm, cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ. Theo Chỉ thị 223 ngày 8 tháng 7 năm 1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa III), ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ” của cả nước.

Trong sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chăm lo những người có công với nước. Quốc hội đã ban hành “Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”. Chính phủ ban hành nhiều chính sách, phong trào sâu rộng chăm lo người có công với cách mạng, tiêu biểu như: Quyết định số 47 của Thủ tướng Chính phủ: chăm lo đến những người tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp mà chưa được hưởng chế độ; Quyết định số 290 và 142 của Thủ tướng Chính phủ: chăm lo đến những người trực tiếp tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược chưa được hưởng chế độ; Quyết định số 62 của Thủ tướng chính phủ chăm lo đến những người tham gia bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế tại những bạn Lào chưa được hưởng chế độ. Chính phủ có các chính sách ưu tiên bố trí việc làm cho thương binh, bệnh binh, con em gia đình chính sách, ưu tiên tuyển sinh vào đại học, cao đẳng đối với con em thương binh, liệt sỹ; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng nhà tình nghĩa”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, quy tập, tìm kiếm thông tin Liệt sỹ...để mục tiêu cuối cùng là “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và dân tộc ta, nhiều người con ưu tú của thành phố Cảng anh hùng đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc. Đến nay, toàn thành phố Hải Phòng của chúng ta có trên 212.500 người được công nhận là người có công với cách mạng. Trong đó: 2.650 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (xin làm tròn số); 29.000 Liệt sỹ; 25.100 người là thương binh, bệnh binh được hưởng chế độ; 8.500 người bị nhiễm chất độc hóa học da cam dioxin; 5.300 người hoạt động cách mạng, bị địch bắt tù đầy.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về chăm sóc các gia đình có công với đất nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố Hải Phòng triển khai nhiều hoạt động, phong trào chăm lo các gia đình chính sách. Công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn thành phố trở thành phong trào rộng khắp, thực sự huy động được sức mạnh của toàn xã hội tự nguyện tham gia phong trào, gánh vác trách nhiệm cùng Nhà nước chăm lo thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các chế độ, chính sách chăm lo cho các đối tượng người có công với cách mạng.

Thành phố có chủ trương: “Tận tay, đúng kỳ, đủ số” với người có công. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, đã thực hiện chi trả cho hơn 234.000 lượt người có công và thân nhân được hưởng chính sách với số tiền là 396,5 tỷ đồng. Ngoài tiền hỗ trợ của trung ương về xây, sửa nhà ở, thành phố có nghị quyết hỗ trợ gia đình người có công vật liệu xây dựng gạch, xi măng, các đoàn thể, hội, doanh nghiệp, địa phương vào cuộc, huy động xã hội hóa tiếp thêm nguồn lực tặng các gia đình chính sách xây, sửa nhà tình nghĩa. Đến nay, toàn thành phố đã xây mới 287 và sửa chữa 183 nhà cho người có công với tổng số tiến là 15,1 tỷ đồng. Thương binh, bệnh binh, các con thương binh, con Liệt sỹ được ưu tiên bố trí, tạo điều kiện việc làm, kéo dài năm công tác, ưu tiên vào các trường đại học, cao đẳng...

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, thành phố rất quan tâm đến gia đình chính sách: Trong dịp Ngày Thương binh – Liệt sỹ, Tết cổ truyền dân tộc, thành phố quan tâm hơn 4 triệu đồng/1 gia đình: Tết Nhâm Dân - 2022, thành phố tặng quà cho các gia đình chính sách với tổng số tiền là 226,9 tỷ đồng; Tết Quý Mão - 2023 là 5,2 triệu đồng/1 gia đình chính sách với tổng số tiền là 247,6 tỷ đồng. Thành lập Ban quản lý Quỹ đền ơn đáp nghĩa ở cả 3 cấp: xã, huyện và thành phố; Quỹ này chi cho xây dựng nhà ở, người có công, thân nhân gặp hoàn cảnh khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, tai nạn, bị mắc bệnh hiểm nghèo; riêng năm 2023, toàn thành phố đã chi hơn 1,7 tỷ đồng từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa để xây mới sửa chữa gia đình người có công. Hàng năm, thành phố Hải Phòng đều tổ chức Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam thành phố, các ban, ngành đoàn thể viếng nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, Thành cổ Quảng Trị...để tri ân các anh hùng Liệt sỹ.

Trong thời gian qua, lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các trang mạng xã hội như youtube, facebook, TikTok, các thế lực thù địch tung tin, tuyên truyền, dùng lời lẽ, hình ảnh xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta đối với những người có công với nước.

Họ cho rằng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ là không cần thiết, vô nghĩa, điều đó cũng đồng nghĩa với sự hy sinh nhiều người trong các cuộc chiến tranh này là vô nghĩa. Họ cho rằng, Đảng, Nhà nước ta bỏ rơi những người có công với nước, không quan tâm đến những người đã đổ xương máu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, bảo vệ biển đảo.

Họ đưa những hình ảnh bà mẹ cô đơn ngồi bên mâm cơm cúng các con đã hy sinh; hình ảnh người mẹ ngồi bên mộ liệt sỹ hưu quạnh... Họ lợi dụng lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin, giả danh thương binh, cựu chiến binh – là những người có công công với đất nước nói những điều xuyên tạc, trái với sự chăm lo đối với những người có công mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã và đang ra sức thực hiện. Các thế lực phản động “phân tích” rằng, kinh kế Việt Nam chậm phát triển là do gánh nặng của chính sách xã hội, trong đó có chi nhiều cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công.

Những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng là hoàn toàn trái với sự thật, làm cho cán bộ và nhân dân ta hoang mang, làm giảm lòng tin của nhân dân ta, nhất là những người có công đối với Đảng và Nhà nước ta. Mục đích kích động, xuyên tạc là để chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trước hết cần khẳng định, chăm sóc các gia đình chính sách, người có công với cách mạng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả ơn người trông cây” ngàn đời của dân tộc, là chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán, lâu dài của Đảng và Nhà nước ta. Bất luận các thế lực thù địch nào, tổ chức, cá nhân nào tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo về sự chăm lo các gia đình chính sách là hoàn toàn trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta, trái với thực tiễn đang diễn ra.

Chúng ta phải hết sức cảnh giác trước những luận điều tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tin tưởng và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và toàn dân về chăm sóc các gia đình có công với nước; phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Mỗi người dân tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” của thành phố và các đoàn thể, địa phương phát động: Ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo công ăn việc làm cho con em các gia đình chính sách, tu sửa, thắp hương nghĩa trang Liệt sỹ, hành hương, thăm quan những di tích lịch sử, thăm lại chiến trường xưa để phát huy truyền thống cha ông...

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đạo lý ngàn đời đó là “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả ơn người trồng cây” của dân tộc ta tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố phát huy trong điều kiện mới.

Nguồn tin: Cửa Biển

TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0