Hồng Bàng là một trong 3 khu phố thuộc khu vực nội thành của thành phố Hải Phòng từ ngày 05 tháng 7 năm 1961 và được đổi từ khu phố thành đơn vị hành chính cấp quận của thành phố Hải Phòng từ ngày 03 tháng 01 năm 1981. Tính đến tháng 01 năm 2021 quận Hồng Bàng đã trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Đặc điểm về truyền thống văn hóa lịch sử hình thành và phát triển của quận Hồng Bàng.
Hồng Bàng là một trong 3 khu phố thuộc khu vực nội thành của thành phố Hải Phòng từ ngày 05 tháng 7 năm 1961 và được đổi từ khu phố thành đơn vị hành chính cấp quận của thành phố Hải Phòng từ ngày 03 tháng 01 năm 1981. Tính đến tháng 01 năm 2021 quận Hồng Bàng đã trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển. Địa bàn quận là khu vực tập trung các tuyến phố cũ do người Pháp và người Hoa xây dựng từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 có nhiều công sở, khách sạn, công trình văn hóa nghệ thuật, nhà biệt thự có kiến trúc đẹp.Tiêu biểu như các công trình Bảo tàng, Nhà hát lớn, Bưu điệnThành phố. Trụ sở Thành ủy, UBND, HĐND thành phố Hải Phòng và nhiều Sở, Ngành của thành phố, trụ sở Bộ Tư lệnh Hải quân. Nhiều khách sạn lớn hiện đại như khách sạn Hữu Nghị, khách sạn Bạch Đằng, khách sạn Bộ Tư Lệnh Hải Quân, khách sạn Hoàng Long, khách sạn Hải Thành đạt các tiêu chuẩn cao về chất lượng đủ điều kiện phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế . Nhiều văn phòng đại diện các Bộ, Ngành của Trung ương và của các tổ chức nước ngoài đóng trên địa bàn quận. Trên địa bàn quận có Chợ Sắt, chợ Tam Bạc, siêu thị HC, SAMNEC, METRO, INTIMEX và các phố cũ khu vực trung tâm quận là đầu mối dịch vụ thương mại bán buôn và bán lẻ tiêu biểu của thành phố Hải Phòng và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Quận Hồng Bàng đã vinh dự được Đảng và nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu anh hùng (đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp và anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới).
VỊ TRÍ ĐIA LÝ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
- Vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thuỷ văn, địa chất:
Quận Hồng Bàng nằm ở khu vực trung tâm thành phố Hải Phòng. Theo địa giới hành chính, quận Hồng Bàng có diện tích tự nhiên là 1448,10 ha. Phía Đông Bắc tiếp giáp với huyện Thuỷ Nguyên, danh giới là sông Cấm. Phía Tây Nam tiếp giáp huyện An Dương, danh giới là sông Rế và tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội. Phía Tây Bắc tiếp giáp huyện An Dương, danh giới là sông Tân Hưng Hồng. Phía Đông Nam tiếp giáp với quận Lê Chân và quận Ngô Quyền, danh giới là hồ Tam Bạc, đường Nguyễn Đức Cảnh, đường Trần Phú và cổng cảng chính của Cảng Hải Phòng.
Quận nằm ở vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ đất đai chủ yếu do phù sa sông biển bồi đắp hình thành. Do sự bồi đắp không đều nên địa hình có nơi cao thấp xen kẽ nhau: Các phường khu vực trung tâm quận có cốt đất trung bình +3,5m đến +4,5 m , các phường khu vực cận và xa trung tâm quận có diện tích đất nông nghiệp còn lớn có cốt đất trung bình thấp hơn từ +2,5 đến +3m.
Khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa,mùa hè nóng ẩm mưa nhiều, mùa đông lạnh ít mưa và chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng ven biển với khí hậu vùng đồi núi Đông Bắc Bộ.
Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình trong năm là 23,60C. Nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất (tháng 1) là 16,80C. Nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất (tháng 7) là 29,40C. Nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối là 6,50C. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối là 39,50C.
Mưa: Lượng mưa trung bình hàng năm: 1.494,7 mm. Số ngày mưa trong năm: 117 ngày. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, tháng mưa lớn nhất là tháng 8 với lượng mưa 352 mm. Lượng mưa một ngày lớn nhất quan trắc được ngày 20/11/1996: 434,700 mm
Độ ẩm: Độ ẩm tại quận có trị số cao và ít thay đổi trong năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 1 độ ẩm là 80%. Mùa mưa ẩm từ tháng 3 đến tháng 9 độ ẩm lên tới 91%. Độ ẩm trung bình trong năm là 83%.
Gió: Hướng gió thay đổi trong năm. Từ tháng 11 đến tháng 3 hướng gió thịnh hành là gió Bắc và Đông Bắc. Từ tháng 4 đến tháng 10 hướng gió thịnh hành là gió Nam và Đông Nam. Từ tháng 7 đến tháng 9 thường có bão cấp 7 đến cấp 10, đột xuất có bão cấp 12 và trên cấp 12 Tốc độ gió lớn nhất quan trắc được là 40m/s.
Thủy văn: Địa bàn quận chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ thuỷ văn biển, đặc trưng là chế độ thuỷ triều. Tính chất của thuỷ triều là nhật triều thống nhất với hầu hết số ngày trong tháng. Trong một ngày thuỷ triều cũng thay đổi từng giờ theo chu kỳ với biên độ dao động 2,5m- 3,5m.
Mạng lưới sông ngòi và kênh mương trên địa bàn quận tương đối dày đặc. Hướng chảy chủ yếu là Tây Bắc - Đông Năm. Đó là Sông Cấm, Sông Rế, Sông Lạch Tray và hệ thống kênh mương thuỷ lợi An Kim Hải. Sông Cấm là đoạn cuối cùng của sông Kinh Thầy, một nhánh chính của hệ thống sông Thái Bình. Chiều rộng khoảng 500m - 600m. Độ sâu trung bình là 6m - 8m, chỗ sâu nhất (cống Mỹ) là 24 m. Lưu lượng nước chảy ra biển lớn nhất là 1860m3/s, nhỏ nhất là 178 m3/s. Lưu lượng nước chảy từ biển vào do nước triều lên lớn nhất là 1140 m3/s, nhỏ nhất là 7m3/s. Bình quân hàng năm Sông Cấm đổ ra biển 10 - 15 triệu km3 nước và trên dưới 2 triệu tấn phù sa. Mực nước sông cao nhất vào mùa mưa là + 3m đến + 4m và thấp nhất vào mùa khô là + 0,2m - + 0,3m.
Về địa chất của quận được hình thành từ nguồn sa bồi, có địa chất bởi tính đệ tứ gồm lớp sét, á sét, á cát, cát, bùn. Nhìn chung địa hình đất đai của quận có cốt nền xây dựng thấp( cao độ bình quân khoảng +2,6 mét), địa chất công trình yếu. Theo kết quả khoan địa chất dọc khu vực, xác định địa chất tương đối đồng nhất. Lớp trên từ 1m - 2m là lớp sét dẻo mềm, dưới là các lớp á sét bão hoà dẻo mềm đến dẻo chảy, có chỗ là bùn, lớp dưới là đất chủ yếu. Nguyên nhân nền đất quận yếu vì được hình thành chủ yếu do sa bồi.
Theo các tài liệu khảo sát địa chất hiện có, quỹ đất của quận Hồng Bàng, ngoài diện tích bề mặt đang khai thác sử dụng theo mục đích đất phi nông nghiêp, đất sản xuất nông nghiệp và đất chưa sử dụng còn một phần diện tích nhỏ. Trong lòng đất quận Hồng Bàng chưa phát hiện có nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản có giá trị kinh tế nào khác.
Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên của quận:
*Quận Hồng Bàng có vị trí ở khu vực trung tâm của Thành phố Hải Phòng và tiếp giáp trực tiếp với sông Cấm. Đây là vị trí quan trọng về chính trị, hành chính, kinh tế, an ninh quốc phòng và văn hoá - xã hội đối với Thành phố Hải Phòng. Vị trí địa lý đặc thù của quận thuận lợi cho phát triển kinh tế dịch vụ thương mại, du lịch, tài chính, viễn thông CNTT. Phát triển các ngành công nghiệp, có công nghệ kỹ thuật cao như công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển, luyện, cán thép, sản xuất cáp ngầm điện cao thế, hoá chất… Đồng thời phát triển hệ thống cảng sông thuận tiện cho việc giao lưu vận tải bằng đường sông, đường biển tới các vùng trong cả nước và quốc tế. Phát triển hoạt động dịch vụ thương mại của đô thị trung tâm và dịch vụ du lịch kết nối theo tua, tuyến trong nước và quốc tế.
* Địa bàn quận có đoạn quốc lộ số 5 cũ đi qua, tương lai sẽ là trục phố chính đi vào trung tâm Thành phố, nối liền các khu công nghiệp trên địa bàn quận và khu vực huyện Thuỷ Nguyên đi vào khu vực trung tâm đô thị Hải Phòng, tạo thuận lợi để quy hoạch phát triển các khu dân cư đô thị mới đồng bộ hiện đại và khu dịch vụ theo các trục quốc lộ chính ra, vào thành phố.
* Quận còn một phần diện tích đất nông nghiệp ở các phường Sở Dầu, Hùng Vương, Quán Toan và khi sáp nhập 2 xã mới của huyện An Dương sẽ tạo thuận lợi để chuyển đổi mục đích sang phát triển đô thị, phân bố và điều chỉnh lại mật độ dân cư .Xây dựng các công trình công cộng, trồng các tuyến cây xanh hợp lý đảm bảo cho quận sớm đạt các tiêu chuẩn quy định cho đô thị loại I trung tâm tổng hợp cấp quốc gia.
* Quận nằm ở vùng ven biển, cốt nền đất thấp dễ bị ảnh hưởng của gió bão, của biến đổi khí hậu nhất là hiện tượng nước biển dâng sẽ gây ra sự ngập úng trên diện rộng địa hình nền đất yếu sẽ ảnh hưởng đến xây dựng các công trình cao tầng, công trình ngầm ở địa bàn quận đòi hỏi chi phí xử lý móng tốn kém hơn.